Tai biến mạch máu não để lại nhiều di chứng nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vì thế rất nhiều người lo lắng không biết bệnh tai biến có di truyền không, có ảnh hưởng đến thế hệ sau không?

Theo các chuyên gia, tai biến mạch máu não không phải là bệnh di truyền. Thế nhưng, những yếu tố làm tăng nguy cơ tai biến như huyết áp cao, xơ vữa động mạch, rối loạn mỡ máu… cũng bị ảnh hưởng một phần do di truyền. Mặt khác, những thành viên trong gia đình có sự tương đồng về gen, lối sống sinh hoạt, môi trường sống… đây cũng là lý do mà nhiều gia đình lại có nhiều người bị tai biến.

1. Tai biến mạch máu não là gì?

Tình trạng gián đoạn quá trình cung cấp máu và oxy lên não, khiến một phần não bị tổn thương, các tế bào chết đi được gọi là tai biến mạch máu não ( hay còn được gọi là đột quỵ não). Tai biến mạch máu não xảy ra khi mạch máu não của bệnh nhân bị vỡ hoặc tắc nghẽn.

Tai biến mạch máu não là gì và nguyên nhân

Tình trạng này có thể gây chảy máu não, chảy máu màng não, nhồi máu não hoặc phối hợp các loại tổn thương trên. Khi bị đột quỵ, các cơ quan cơ thể được điều khiển bởi vùng não bị thiếu máu sẽ không tiếp tục hoạt động bình thường được. Hệ quả là người bị tai biến thường bị tê liệt, nói ngọng hoặc không nói được, suy giảm trí nhớ,… thậm chí là tử vong.

Một số chứng tai biến mạch máu não thường gặp gồm:

  • Đau đầu dữ dội và đột ngột: Gặp ở trên 50% bệnh nhân bị tai biến mạch máu não
  • Đột nhiên một bên tay bị yếu, không cầm được đồ vật
  • Đột nhiên bị rối loạn ngôn ngữ với các biểu hiện như nói ngọng, khó phát âm. Triệu chứng này có thể diễn ra trong ít phút hoặc kéo dài cả ngày trước khi các tai biến nghiêm trọng xảy ra
  • Đôi khi người bệnh mất kiểm soát bản thân, để rơi vật dụng trong tay mà không biết;
  • Người bệnh đột nhiên bị mất định hướng trong vài phút hoặc vài giờ, bị thoáng quên, thoáng điếc, mất định hướng về không gian và thời gian
  • Đột nhiên có cảm giác ruồi bay trước mắt, mất thị lực một phần hoặc hoàn toàn trong giây lát
  • Đột nhiên có cảm giác kim châm, kiến đốt ở đầu tay, chân hoặc nửa thân trên
  • Đột nhiên bị chóng mặt, ù tai, choáng váng, một bên chân bị yếu, đứng không vững

2. Đối tượng có nguy cơ cao mắc tai biến mạch máu não

Trước kia, tai biến mạch máu não được coi là chứng bệnh của người già, thường xảy ra ở độ tuổi trên 50. Thế nhưng hiện nay, tỷ lệ người trẻ tuổi bị tai biến đang có xu hướng gia tăng do lối sống phản khoa học. Bên cạnh đó, những đối tượng sau cũng có nguy cơ bị đột quỵ cao:

  • Bệnh nhân cao huyết áp: Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra khoảng 80% các ca tai biến mạch máu não
  • Người mắc bệnh tim mạch, mỡ máu cao: Lòng mạch bị hẹp sẽ khiến máu khó lưu thông, gây thiếu máu lên não và tai biến
  • Người bệnh tiểu đường: Bệnh nhân dễ bị xơ vữa động mạch, gây tắc mạch máu và dẫn tới cơn tai biến
  • Người có thói quen sinh hoạt không lành mạnh: Hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, ít vận động, béo phì,… có nguy cơ cao bị bệnh tim mạch, cao huyết áp dẫn tới tai biến.

 

3. Bệnh tai biến tại sao lại không có nguy cơ di truyền?

Các bác sĩ khẳng định tai biến mạch máu não không phải là bệnh di truyền. Tuy nhiên, các yếu tố gia đình (do chế độ ăn uống và lối sống) như đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, cao huyết áp, chế độ ăn mặn, thói quen uống nhiều rượu và hút thuốc lá ngày càng gia tăng. Vì vậy, nếu trong gia đình có người bị đột quỵ (do tiểu đường, cholesterol, béo phì, cao huyết áp) thì những người thân của bệnh nhân cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.


Cách tốt nhất để phòng ngừa đột quỵ là xác định và điều trị triệt để các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh như xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, tăng mỡ máu, thấp tim. Đồng thời, bạn nên tránh căng thẳng và tức giận quá mức, thức khuya, làm việc quá nhiều, hạn chế uống rượu bia và hút thuốc. Bên cạnh đó, nên thiết lập chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh, giảm đường, muối, chất béo… Ngoài ra, mỗi người nên duy trì thói quen vận động đúng hướng điều trị ít nhất 30 phút mỗi ngày. .

Tai biến mạch máu não có thể để lại hậu quả nặng nề, thậm chí tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Vì vậy, nếu trong gia đình có người mắc bệnh thì mỗi người phải thay đổi lối sống, thói quen để tạo cơ thể khỏe mạnh, giảm nguy cơ mắc bệnh.