Bạn có biết: Trúng gió hay đột quỵ có những triệu chứng gần giống nhau và dễ gây hiểu lầm khiến người bệnh nguy hiểm? Vậy nên bài viết này sẽ giúp các bạn phân biệt trúng gió và đột quỵ kèm cách xử trí cho mỗi tình huống để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.

1. Trúng gió là gì?

Theo quan niệm dân gian, trúng gió còn được gọi là “trúng phong” trong tiếng Hán, đồng nghĩa với nhiễm lạnh, cảm cúm. Đây là hiện tượng phổ biến có thể để lại di chứng phong tê thấp, mất đề kháng nhanh chóng,…vì vậy bạn cần nắm được nguyên nhân, các triệu chứng và cách xử trí, phòng ngừa để bảo vệ bản thân cùng người nhà.

Trúng gió hay còn được gọi là trúng phong

Trúng gió hay còn được gọi là trúng phong

1.2. Nguyên nhân và biểu hiện của trúng gió

Người bị trúng gió thường bị khí lạnh xâm nhập vào cơ thể qua hô hấp hoặc lỗ chân lông chủ yếu do yếu tố thời tiết như: mưa, nắng, sương giá, gió lạnh,…tác động đột ngột.

Người bị nhiễm “gió độc” thường xuất hiện các triệu chứng như:

  • Cơ thể ớn lạnh, đặc biệt ở vùng gáy, dọc sống lưng và chân tay.
  • Thường có cơn nhức đầu kèm chóng mặt và buồn nôn.
  • Có thể bị đau bụng đi ngoài, tiêu chảy cấp.
  • Với trường hợp nặng, người trúng gió dễ bị xây xẩm mặt mày, méo mặt 1 bên, hôn mê bất tỉnh, chân tay co cứng. Đây là những biểu hiện tương đối giống với đột quỵ nên để đảm bảo an toàn, người nhà nên đưa bệnh nhân đi khám.

Hầu hết độ tuổi nào cũng có thể gặp trúng gió nhưng có 3 đối tượng có nguy cơ cao là: trẻ em, người bị ốm hoặc đang điều trị bệnh, người cao tuổi. Vì vậy, trong gia đình cần đặc biệt chú ý những người này trong thời điểm giao mùa, khi thời tiết thay đổi nóng lạnh thất thường, đột ngột.

1.3. Cách xử trí an toàn cho người bị trúng gió

Khi có biểu hiện trúng gió, người nhà cần xử trí bệnh nhân tùy theo 1 trong 2 phương pháp Tây Y hoặc Đông Y như sau:

Người nhà cần xử trí với người bị trúng gió sao cho đúng

Người nhà cần xử trí với người bị trúng gió sao cho đúng

1.3.1. Phương pháp Tây Y

Theo quan điểm Tây Y, hiện tượng trúng gió là cảm lạnh không rõ nguyên nhân nên cần điều trị theo triệu chứng. Thông thường, bác sĩ khuyên bạn nên dùng các loại thuốc như giảm đau, hạ sốt & kháng histamin. Ngoài ra, để tăng sức đề kháng, người bệnh cần bổ sung thêm vitamin C dạng viên sủi hoặc viên nén. Trong chế độ ăn cũng cần bổ sung thực phẩm tăng miễn dịch nhằm giảm nguy cơ cảm lạnh.

1.3.2. Phương pháp Đông Y

Thường thấy khi bị cảm lạnh do trúng gió, người nhà sẽ tiến hành cạo gió các vùng cổ vai gáy, lưng, bụng, tay chân kết hợp uống trà gừng hoặc nước gừng tươi giã nát để làm ấm cơ thể. Tuy nhiên, cách làm này không được áp dụng cho người bị bệnh huyết áp & phụ nữ có thai.

Cạo gió là việc nên làm khi có người thân bị trúng gió

Cạo gió là việc nên làm khi có người thân bị trúng gió

Trường hợp người bệnh hôn mê, cần thực hiện bấm huyệt nhân trung (“huyệt nằm dưới gốc mũi ở vị trí ⅓ trên của rãnh nhân trung”) đến khi bệnh nhân tỉnh lại. Đặt người bệnh nằm đúng tư thế: đầu thấp hơn chân, nằm nghiêng để tăng lượng máu lên não & tránh tụt lưỡi, sặc chất nôn. Đồng thời đắp thêm chăn ấm để tránh gió lùa.

Khi bệnh nhân tỉnh lại, cần hồi sức bằng cách cho ăn cháo tía tô, hành để tăng nhiệt độ giữ ấm cơ thể. Mặt khác, tinh bột trong cháo cũng cung cấp dinh dưỡng giúp cơ thể bớt mệt mỏi & nhanh chóng khỏe mạnh.

2. Đột quỵ là gì?

Trúng gió hay đột quỵ nguy hiểm hơn? Rất khó để khẳng định vì cả 2 tình trạng đều có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy, bạn cũng cần nhận biết những triệu chứng và cách sơ cứu đột quỵ để đề phòng trường hợp khẩn cấp.

Vậy đột quỵ là như thế nào?

2.1. Nguyên nhân & triệu chứng đột quỵ

Theo đó, đột quỵ (tai biến mạch máu não) là tình trạng mạch máu não bị tắc nghẽn do huyết khối, xơ vữa thành mạch. Đột quỵ não có 2 dạng là xuất huyết não & thiếu máu não cục bộ nhưng đều có chung những biểu hiện lâm sàng như:

  • Rối loạn ngôn ngữ, nói ngọng, khó diễn đạt.
  • Hoạt động tay chân kém linh hoạt, cầm nắm dễ rơi kèm theo cảm giác tê bì, mệt mỏi, khó cử động.
  • Mặt bị méo 1 bên do sụp mí, khó cười, chóng mặt.
  • Giảm thị lực nhanh chóng ở 1 hoặc cả 2 bên mắt.
  • Tê 1 nhóm cơ có thể là liệt nửa người.

So với trúng gió, nhóm đối tượng có nguy cơ đột quỵ được xác định rõ ràng hơn, cụ thể gồm: Người ít vận động tập luyện; người thường xuyên sử dụng thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc; người tiêu thụ đồ ăn nhiều dầu mỡ, chất béo không tốt; tiền sử trong gia đình có người bị đột quỵ hoặc người có bệnh lý liên quan đến tim mạch, tiểu đường, huyết áp,…

2.2. Cách sơ cứu khi bị đột quỵ

Nếu bệnh nhân có triệu chứng đột quỵ, người nhà cần thực hiện sơ cứu tại nhà như sau:

Cách xử trí với người bị đột quỵ

Cách xử trí với người bị đột quỵ

Cách xử trí người bị đột quỵ. (Ảnh: Internet)

Bước 1:  Gọi cấp cứu đến số 115. Hãy nhờ người trợ giúp nếu bạn là người có biểu hiện đột quỵ não.

Bước 2: Trong khi chờ xe cấp cứu, đặt bệnh nhân nằm đúng tư thế an toàn với phần đầu hoặc lưng nghiêng 45 độ để tránh sặc chất nôn, nước miếng vào đường thở.

Bước 3: Mặc quần áo thoải mái cho người bệnh, mở rộng phần cổ để kiểm tra hô hấp và thực hiện xử trí trong các trường hợp:

  • Nếu không thấy nhịp thở của bệnh nhân, hãy thực hiện hô hấp nhân tạo.
  • Nếu người bệnh có dấu hiệu ngừng tim, hãy tiến hành xoa bóp tim ngoài lồng ngực.
  • Nếu tay chân bệnh nhân có biểu hiện, hãy nhờ nhiều người hỗ trợ di chuyển đến vị trí an toàn. Ngoài ra, cần tháo răng giả cho người bệnh (nếu có) để tránh bị hóc đồng thời đắp chăn giữ ấm cơ thể trong mọi trường hợp.

Bước 4: Dùng khăn sát khuẩn quấn quanh ngón tay trỏ để lấy sạch nước dãi, đờm trong miệng bệnh nhân. Nếu có hiện tượng co giật, hãy lấy đũa chèn ngang miệng người bệnh để không bị cắn vào lưỡi.

Bước 5: Ghi lại thời điểm bệnh nhân bắt đầu có biểu hiện đột quỵ.

Bước 6: Ghi lại các loại thuốc mà bệnh nhân đang dùng hoặc mang theo đơn thuốc đang có.

3. Cách phân biệt trúng gió và đột quỵ

Có thể thấy, nhận biết trúng gió hay đột quỵ với người thường tương đối khó nếu không tìm hiểu kỹ các triệu chứng. Bởi vậy, để phát hiện sớm và xử trí đúng cách với 2 tình trạng này, bạn cần phân biệt dựa trên các cử chỉ & nhiệt độ cơ thể như sau:

Các biểu hiện của người đột quỵ

Các biểu hiện của người đột quỵ

  • Cười: Yêu cầu người bệnh cười, nếu không thực hiện được tức là dấu hiệu của đột quỵ (tai biến)
  • Nói: Hỏi người bệnh 1 vài câu, nếu khó nói, nói không ra tiếng hoặc không nói được là bị đột quỵ.
  • Giơ 2 tay: Yêu cầu giơ 2 tay lên cao, nếu người bệnh chỉ giơ được 1 bên hoặc cả 2 do bị yếu, bị liệt thì là triệu chứng của đột quỵ.
  • Thân nhiệt: Cuối cùng, hãy kiểm tra thân nhiệt của bệnh nhân để xác định trúng gió hay đột quỵ. Nếu nhiễm gió độc, người bệnh mắc cảm sẽ có nhiệt độ cơ thể cao như nóng sốt. Trái lại, khi bị đột quỵ, bệnh nhân thường có nhiệt độ bình thường hoặc lạnh hơn.

Như vậy, qua phần phân tích chi tiết về nguyên nhân, triệu chứng, cách xử trí cũng như mẹo phân biệt trúng gió hay đột quỵ trên, bạn đọc đã hiểu rõ về hai căn bệnh trên. Hy vọng những thông tin chúng tôi chia sẻ đã phần nào giúp bạn đề phòng và bảo vệ sức khỏe tốt hơn.

Chúc gia đình bạn thật nhiều sức khỏe!