Dự phòng nhồi máu não nhằm mục tiêu phòng chống bệnh, ngăn ngừa tái phát và điều trị củng cố. Thực hiện dự phòng nhồi máu não càng sớm và trong những giờ đầu sẽ càng giảm rủi ro tử vong hoặc di chứng về sau. Cụ thể là:
- Giảm dần một số yếu tố nguy cơ gây nhồi máu não trong cộng đồng như tăng huyết áp, cholesterol cao, rối loạn lipid, béo phì, đái tháo đường, hút thuốc lá.
- Chống kết tập tiểu cầu, ngăn sự hình thành thêm huyết khối, mảng xơ vữa hoặc các biến chứng nhồi máu não.
- Khai thông động mạch cảnh trong bằng phẫu thuật hoặc can thiệp từ bên ngoài.
1. Tầm soát các bệnh lý nguy cơ gây nhồi máu não
Điều trị bệnh tăng huyết áp
Mục tiêu kiểm soát trị số huyết áp ở mức dưới 150/90 mmHg (đối với người từ 60 tuổi trở lên), dưới 140/90 mmHg (đối với người dưới 60 tuổi) và dưới 130/80 mmHg (đối với bệnh nhân tiểu đường, suy thận, suy tim) nhằm giảm biến chứng tim mạch, thận và nguy cơ tử vong.
Các nhóm thuốc dùng trong điều trị cao huyết áp, dự phòng nhồi máu não gây đột quỵ hiện nay, bao gồm:
- Nhóm thuốc chẹn kênh canxi
Canxi khi xâm nhập vào tế bào tim sẽ làm tim đập nhanh và tăng huyết áp nội mạch. Do đó, sử dụng nhóm thuốc chẹn kênh canxi như amlodipine, nifedipine, nicardipine, diltiazem, felodipine, verapamil,… giúp ngăn cản sự xâm lấn canxi vào tim và hệ thống mạch máu, điều hòa nhịp tim, giãn mạch, ổn định huyết áp.
Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc chẹn kênh canxi gây nhiều tác dụng phụ như đau đầu, đỏ mặt, buồn nôn, phù chân, táo bón,…
- Nhóm thuốc lợi tiểu
Nhóm thuốc gồm chlorthalidone, hydrochlorothiazide, indapamide, furosemide, metolazone,… giúp tăng cường bài tiết nước tiểu ở thận, giảm lượng chất lỏng trong cơ thể. Nhờ đó nước và muối được đẩy ra ngoài để giảm áp lực cho tim, điều hòa huyết áp.
Nếu dùng thuốc lợi tiểu ở liều cao có nguy cơ xảy ra một số tác dụng phụ như mất nước, chuột rút, đau yếu cơ, rối loạn nhịp tim, chóng mặt, phát ban,…
- Nhóm thuốc chẹn beta giao cảm
Đây là thuốc có công dụng chính làm giảm nhịp tim, bảo vệ tim mạch và giảm áp lực lưu thông máu lên thành mạch nên được dùng trong điều trị tăng huyết áp và dự phòng đột quỵ nhồi máu não. Nhóm thuốc chẹn beta thường dùng là acebutolol, bisoprolol, carvedilol, metoprolol, nebivolol,…
Nhóm thuốc này được khuyến cáo không thích hợp với người bị hen và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Một số tác dụng phụ phổ biến như mệt mỏi, nhịp tim chậm, rối loạn giấc ngủ, phát ban, chóng mặt, khó thở, chân tay lạnh, phù mạch…
- Nhóm thuốc ức chế men chuyển (ACE)
Người bệnh tăng huyết áp có thể dùng nhóm thuốc ức chế men chuyển như benazepril, cilazapril, captopril, enalapril, lisinopril, perindopril,… để giúp mạch máu thư giãn, giãn mạch và hạ huyết áp. Chúng không chỉ dùng trong dự phòng nhồi máu não do tăng huyết áp, mà còn điều trị các bệnh lý suy tim, động mạch vành.
Lưu ý rằng, việc lạm dụng thuốc sẽ dẫn đến những tác dụng không mong muốn như ngứa cổ, ho khan, khô miệng, buồn nôn, chóng mặt, phát ban, đau cơ,…
- Nhóm thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (ARB)
Nhóm thuốc ức chế thụ thể angiotensin II gồm các loại irbesartan, losartan, valsartan, telmisartan, azilsartan,… có tác dụng tương tự như nhóm thuốc ức chế men chuyển (ACE) và được chỉ định thay thế trong trường hợp người bệnh quá mẫn cảm với nhóm ACE.
Các tác dụng phụ trong nhóm tương tự thuốc ức chế men chuyển ACE nhưng ít gây ho khan và phù mạch hơn.
Xem Thêm: Điều trị cao huyết áp bằng cách nào hiệu quả nhất?
Điều trị cholesterol cao – rối loạn chuyển hóa lipid máu
Nhóm thuốc Statin được chỉ định trong điều trị hữu hiệu rối loạn mỡ máu, tiểu đường, huyết áp, tim mạch và dự phòng cấp 2 nhồi máu não do nồng độ cholesterol trong máu cao. Các loại thuốc trong nhóm Statin sử dụng thường quy gồm có atorvastatin, fluvastatin, rosuvastatin, pravastatin,…
Trong quá trình dùng thuốc Statin để giảm cholesterol người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ không mong muốn như đau dạ dày, đầy hơi, táo bón, đau cơ, chuột rút,…
Kiểm soát đường huyết
Với bệnh nhân đái tháo đường, tăng đường huyết làm tăng nguy cơ tái phát đột quỵ nhồi máu não. Do đó, theo khuyến cáo người bệnh cần kiểm soát đường huyết đạt mục tiêu trong dự phòng cấp 2 nhồi máu não để đưa HbA1c (là một loại hemoglobin đặc biệt kết hợp giữa hemoglobin và đường glucose) không quá 7%.
Bên cạnh đó, người bị tiểu đường sử dụng thuốc uống và insulin phù hợp, theo dõi thường xuyên để phòng hạ đường huyết. Với người có nguy cơ nghi mắc đái tháo đường nên tầm soát bệnh, xét nghiệm đường huyết, hemoglobin A1c hoặc thử nghiệm dung nạp glucose đường uống.
2. Dự phòng cấp 2 nhồi máu não bằng thuốc phòng chống cục máu đông
Nhóm thuốc ức chế kết tập tiểu cầu
Thuốc ức chế kết tập tiểu cầu và thuốc chống đông máu được dùng cho mục tiêu ngăn sự hình thành thêm hoặc tiến triển của huyết khối trong lòng mạch. Đối với bệnh nhân nhồi máu não không do tắc mạch từ tim được khuyến cáo dùng thuốc chống kết tập tiểu cầu tốt hơn là thuốc kháng đông đường uống trong thời kỳ cấp để phòng ngừa nhồi máu não thứ phát và các biến cố tim mạch nghiêm trọng khác.
Hiện nay, thuốc aspirin chống kết tập tiểu cầu liều dùng 50 – 325mg/ngày được sử dụng phổ biến nhất. Người bệnh có thể thay thế clopidogrel 75mg/ngày khi dị ứng với aspirin hoặc viêm loét dạ dày – hành tá tràng.
Ngoài ra, điều trị phối hợp aspirin 25mg với clopidogrel 75mg đơn trị liệu được dùng trong vòng 24 giờ đầu và kéo dài đến 21 ngày, hoặc kết hợp aspirin 25mg và dipyridamole 200mg phóng thích kéo dài 2 lần mỗi ngày. Lưu ý rằng, việc kết hợp aspirin và clopidogrel gia tăng nguy cơ xuất huyết nên không được khuyến cáo dùng thường quy trong dự phòng cấp 2 đột quỵ nhồi máu não.
Nhóm thuốc chống đông máu
- Bệnh rung nhĩ
Với các bệnh nhân bị rung nhĩ theo cơn hoặc thường trực được chỉ định dùng thuốc chống đông warfarin (mục tiêu INR từ 2.0 – 3.0) và các loại thuốc kháng vitamin K khác.
Ngoài ra, các thuốc apixaban, dabigatran, rivaroxaban, edoxaban thích hợp thay thế cho nhóm thuốc kháng vitamin K và cũng dùng trong dự phòng nhồi máu não tái phát do rung nhĩ.
- Bệnh van tim bẩm sinh
Với bệnh nhân bị đột quỵ nhồi máu não hay thiếu máu não thoáng qua (TIA) có bệnh van tim 2 lá biến chứng thấp khớp, dù có hay không có rung nhĩ kèm theo đều được điều trị thuốc chống đông warfarin kéo dài, đích INR 2.5 (từ 2.0 – 3.0).
- Bệnh van tim nhân tạo
Với bệnh nhân bị đột quỵ nhồi máu não hay thiếu máu não thoáng qua (TIA) có van tim nhân tạo cơ học được khuyến cáo dùng thuốc chống đông warfarin INR 3.0 (từ 2.5 – 3.5) trong dự phòng cấp 2 nhồi máu não.
3. Phòng ngừa nhồi máu não bằng cách thay đổi lối sống
Thay đổi lối sống là liệu pháp rất quan trọng và được ưu tiên hàng đầu trong điều trị tăng huyết áp và phòng ngừa nhồi máu não.
Chế độ ăn uống
Thực hành chế độ ăn giảm muối (dung nạp không quá 6g muối mỗi ngày), giảm chất béo bão hòa, cafein và giảm lượng calo trong các bữa ăn giúp kiểm soát cân nặng; nên ăn các loại cá giàu acid béo omega-3; bổ sung kali, canxi, magie, vitamin, khoáng chất tự nhiên có trong rau quả và trái cây tươi; hạn chế uống rượu để phòng chống bệnh mạch vành.
Chế độ nghỉ ngơi và luyện tập
Nghỉ ngơi điều độ, duy trì giấc ngủ đủ 7 tiếng/ngày, ngủ sớm và dậy sớm; không làm việc quá sức và khiến đầu óc quá căng thẳng; tập thể dục đều đặn khoảng 5 lần/tuần bằng cách đi bộ, đạp xe hoặc bơi lội ít nhất 30 phút mỗi ngày nhằm hạ huyết áp, giảm béo phì và các tổn thương xơ vữa động mạch.
Ngưng hút thuốc lá
Thuốc lá là một trong những yếu tố nguy cơ thường gặp của bệnh nhồi máu não. Tuy chưa có các nghiên cứu ngẫu nhiên nào có đối chứng về vai trò của thuốc lá trong dự phòng nhồi máu não nhưng quan sát cho thấy việc ngừng hút thuốc lá giảm mức độ đột quỵ nhồi máu não ít nhất 1.5 lần.
Những người bỏ hút thuốc lá sẽ giảm nguy cơ bệnh tim mạch đến 50% trong vòng một năm. Nếu ngừng hút thuốc trong 10 năm thì nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch tương đương với người không hút thuốc.
4. Dự phòng nhồi máu não với các kỹ thuật can thiệp mạch máu
Với bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não hoặc thiếu máu não thoáng qua (TIA) trong vòng 6 tháng và bị hẹp nặng động mạch cảnh cùng bên (> 70%) sẽ được làm phẫu thuật bóc nội mạc động mạch cảnh (nếu tỷ lệ tử vong, biến chứng phẫu thuật dự đoán dưới 6%).
Với bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não hoặc thiếu máu não thoáng qua (TIA) và bị hẹp động mạch cảnh cùng bên ở mức trung bình (từ 50 – 69%) sẽ được khuyến cáo phẫu thuật nội mạc động mạch cảnh tùy theo độ tuổi, giới tính, bệnh lý kết hợp, độ nặng triệu chứng đột quỵ (nếu tỷ lệ tử vong, biến chứng phẫu thuật dự đoán dưới 6%).
Khi mức độ hẹp động mạch cảnh cùng bên ở mức dưới 50% thì không có chỉ định phẫu thuật nội mạc động mạch cảnh nào cả. Thay vào đó, người bệnh có thể được điều trị nội khoa tối ưu bằng cách dùng thuốc chống kết tập tiểu cầu, thuốc statin và sửa đổi các yếu tố nguy cơ gây bệnh; hoặc thay thế bằng tạo hình mạch máu và đặt stent trong dự phòng nhồi máu não khi đảm bảo một số điều kiện nhất định.
Nhìn chung, dự phòng nhồi máu não có vai trò rất quan trọng trong phòng ngừa, phát hiện và điều trị sớm các yếu tố nguy cơ gây tai biến, đột quỵ. Nếu có bất cứ thắc mắc nào trong vấn đề phòng ngừa nhồi máu não khởi phát hoặc tái phát, xin các bác hãy gọi đến số điện thoại 0901.70.55.66 gặp Lương y Nguyễn Quý Thanh để được tư vấn tường tận nhất.